Liên kết website Liên kết website

Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Các đơn vị trực thuộc Các đơn vị trực thuộc


 

 

Lịch sử hình thành và phát triển Lịch sử hình thành và phát triển

Thành lập các khu chế xuất và khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh

      Sau khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên rất nhanh, song hầu hết tập trung vào lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, nhà làm việc ... tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp 2 khó khăn chính là: Cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục xin giấy phép đầu tư và triển khai dự án đầu tư phức tạp, mất nhiều thời gian. Dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài, Chính phủ chủ trương thành lập khu chế xuất để làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986.

KCX Tân Thuận

      Vì vậy, Quy chế khu chế xuất đã được ban hành kèm theo Nghị định số 322/HĐBT ngày 18/10/1991 và khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của cả nước đã được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 394/CT ngày 25/11/1991 nay là Chính phủ.

      Năm 1992 khu chế xuất Linh Trung, năm 1996 và 1997 liên tiếp 10 khu công nghiệp của Thành phố có Quyết định thành lập của Chính phủ. Theo quy hoạch đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 5.822,5 ha. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố đã có 3 khu chế xuất và 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 4.532 ha; trong đó 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đã hoạt động, diện tích đất cho thuê đạt 1.544,43 ha/tổng số 2.571,64 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 60%.

Thành lập Ban quản lý

      Ngay sau khi Quy chế khu chế xuất được ban hành và khu chế xuất Tân Thuận được thành lập, Ban quản lý khu chế xuất Tân Thuận đã được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 62/CT ngày 26/2/1992, gồm 8 thành viên, Trưởng ban là ông Lữ Minh Châu - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, Phó ban là ông Nguyễn Công Ái - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các Ủy viên là Vụ trưởng, Vụ phó đại diện cho các Bộ: Thương mại, Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

      Sau khi khu chế xuất Linh Trung ra đời, Ban Quản lý đổi tên thành Ban Quản lý các khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh và được sử dụng con dấu có hình quốc huy theo Thông báo số 433/KTĐN ngày 27/10/1992 của Văn phòng Chính phủ.

      Sau khi một số khu công nghiệp được thành lập, Ban Quản lý các khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh được chuyển thành Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 731/TTg ngày 03/10/1996. Từ đó đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố kiêm nhiệm Trưởng Ban Quản lý là ông Trần Thành Long - từ 1996 đến 1999, ông Trần Ngọc Côn - từ 1999 đến 2001. Từ 2001 ông Nguyễn Chơn Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý được bổ nhiệm Trưởng Ban Quản lý.

      Bộ máy giúp việc của Ban Quản lý hình thành từ cuối năm 1992, đến năm 1997 đã ổn định về tổ chức, gồm có 5 Phòng nghiệp vụ, Văn phòng và Trung tâm Dịch vụ việc làm. Từ năm 1999, Ban Quản lý thực hiện thí điểm chế độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo Công văn của Chính phủ số 15/CP-khu công nghiệp ngày 14/08/1998 và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính số 45/1999/QĐ-BTC ngày 06/05/1999. Số lượng cán bộ công nhân viên chức được Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ giao chỉ tiêu năm 2000 là 50 người trong biên chế lương và 15 người làm việc theo hợp đồng lao động.

      Từ tháng 10/2000, Ban Quản lý được chuyển giao trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 100/QĐ-TTg ngày 17/08/2000 Ban Quản lý chịu sự chỉ đạo và quản lý về Tổ chức, biên chế, chương trình công tác của Ủy ban nhân Thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực...

      Hiện nay, thực hiện Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ngày 17/02/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban Quản lý ban hành Quyết định số 1229/QĐ-BQL ngày 27/4/2017 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Quản lý Đầu tư, Phòng Quản lý Doanh nghiệp, Phòng Quản lý Lao động, Phòng Quản lý Môi trường, Phòng Quản lý Quy hoạch và Xây dựng, Phòng Hỗ trợ và Giám sát hoạt động đầu tư nhằm thực hiện quản lý nhà nước đối với các công ty đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố.

Số lượt truy cập Số lượt truy cập
46782748